#17. Sống trọn từng khoảnh khắc với to-be list
Thay vì cuốn theo guồng quay của to-do list, hãy bắt đầu ngày mới với to-be list!
Trong suốt khoảng thời gian đại học và 2 năm sau khi ra trường, tôi là một người nghiện công việc. Và to-do list là “bạn thân” của tôi. Nhìn vào danh sách các đầu việc được sắp xếp ngay ngắn và đánh dấu hoàn thành, trong tôi ánh lên cảm giác thỏa mãn. Tôi hăng say lao vào các dự án, 90% cuộc sống của tôi xoay quanh: công việc, sếp, đồng nghiệp, đối tác, các dự án xã hội, những người hưởng lợi từ đó. Thú thật, tôi yêu thích công việc của mình, đến giờ vẫn thế. Thỉnh thoảng, khi nhớ về giai đoạn quyết liệt, máu chiến đó, tôi phải ghi nhận bản thân vì đã xử lý được khối lượng công việc rất khủng.
Tuy vậy, quá trình tiếp nhận nhiều câu chuyện chưa may mắn, cộng với căng thẳng kéo dài khiến tôi quá tải và kiệt sức. Khi đó, tôi phát cáu khi nhìn vào to-do list và tự hỏi: “Vì sao tất cả những gạch đầu dòng này đều là công việc? Gia đình, bạn bè thân thiết, người yêu, sở thích của tôi đâu? Và tôi ở đâu trong danh sách đó?”. Bởi, trong gần 2 năm đó, tôi hiếm khi ăn tối cùng gia đình, các cuối tuần đều dành cho sự kiện hoặc chương trình, và hầu như không có đến 03 cuộc hẹn với bạn bè trong một năm. Tôi cũng không có thời gian để suy ngẫm, để đi gội đầu, massage, chăm sóc bản thân như hiện tại.
Tôi tự thấy mình chưa đối xử đủ tốt với bản thân, chưa chăm sóc khu vườn cảm xúc và tâm hồn, và bỏ quên những khía cạnh quan trọng khác. Nếu có điều gì tôi trót bỏ lỡ hoặc đánh mất, thì tôi không muốn đó là chính mình, và những người tôi yêu quý. Thế nên, tôi quyết định lao vào “sống” và cảm nhận mọi thứ trọn vẹn hơn, kết nối với đứa trẻ bên trong và tái hòa nhập cộng đồng. Khi lựa chọn như thế, tôi chào đón to-be list vào trong cuộc sống.
Ý nghĩa của việc lập to-be list là tập trung vào “being” - sự sống của mình nhiều hơn, thay vì chỉ lao vào làm. Với tôi, to-do list và to-be list là bộ đôi ăn ý. Khi kết hợp chúng với nhau, danh sách bạn nhìn thấy mỗi ngày không chỉ là những việc cần làm, mà còn giúp bạn:
Xác định những mục tiêu và giá trị của mình
Chắt lọc, sắp xếp thứ tự ưu tiên, tập trung vào những điều thực sự quan trọng và lược bớt những điều không cần thiết
Cân bằng hơn, giảm tải căng thẳng và áp lực khi chăm chăm chạy đua với thời gian và deadline
Chăm sóc đồng đều các khía cạnh trong cuộc sống như: sự nghiệp, gia đình, phát triển bản thân, sức khỏe tinh thần, mối quan hệ…
Đo lường được cả năng suất, hiệu quả làm việc, lẫn trạng thái tinh thần, cảm xúc, thái độ, tâm thế khi thực hiện và hoàn thành chúng
Thông thường, tôi sẽ dành ít nhất 10 phút để lên lịch làm việc theo tuần, theo tháng vào buổi tối trước khi đi ngủ. Bạn có thể viết vào giấy nhớ, vào sổ tay, hoặc ghi chú trong mục Reminders/Notes của điện thoại. Sau đó, tôi rà soát những gì mình đã làm được trong ngày, và điều chỉnh cho ngày tiếp theo. Đây là một số ví dụ về to-be list của chính tôi:
Tập trung hoàn thành từng việc một, không đa nhiệm và phân tán sự tập trung (với những ngày có quá nhiều việc phải làm).
Là một người lắng nghe chú tâm (với những ngày hẹn gặp bạn thân trò chuyện, hoặc có những cuộc họp/buổi mentoring 1-1 với học viên, khách hàng).
Hãy tò mò (với những ngày đi học, đi dự workshop, lần đầu tiên làm điều gì đó).
Hãy cởi mở với những ý tưởng mới (với những ngày cần họp hành, brainstorm).
Dành thời gian một mình, ẩn dật (với những ngày cần tái nạp năng lượng, suy ngẫm về những điều đã qua, đặt mục tiêu cho giai đoạn mới).
Điều gì quan trọng với bạn trong công việc, trong cuộc sống?
Bạn sẽ ưu tiên cho điều gì trong ngày mai?
Một lời nhắc bạn muốn dành cho bản thân cho ngày mới là gì?
Đó là những câu hỏi gợi mở tôi muốn mời bạn cùng khám phá, và tạo nên những to-be list để chăm sóc mình trọn vẹn hơn. Chúc bạn làm sâu, sống đậm mỗi ngày!