#21. Kỷ luật nói “Không” - Tại sao và làm thế nào?
“Không có gì vô ích bằng làm một cách hiệu quả những việc không nên làm” - Peter Drucker
“Điều chị ghi nhận bản thân nhiều nhất trong năm 2023 là đã kiên định với việc thất nghiệp, đã dám nói “Không” với những cơ hội có vẻ ổn, nhưng không còn phù hợp”.
“Điều em muốn nuôi dưỡng trong năm 2024 là việc kỷ luật nói “Không”, và kiên định với những điều em cần dành sự tập trung”.
Đây là điều Trang và chị Thiên Nhi đã trao đổi với nhau những ngày gần đây, trong không khí nhìn lại năm cũ và chào đón năm mới. Năm nay, chúng mình (Trang, Nhi và cả Self Lab) sẽ kỷ luật với việc nói “Không”. Bản tin này sẽ giải thích tại sao và làm thế nào để chúng mình nuôi dưỡng tinh thần lạ lùng này.
Bản tin được bình dịch từ bài viết The Ultimate Productivity Hack is Saying No của tác giả sách James Clear, có đi kèm một số câu chuyện và chiêm nghiệm của người viết.
Tại sao chúng ta nói “Có”?
Đã bao nhiêu lần ai đó nhờ bạn làm một việc và bạn đồng ý khi chưa suy nghĩ quá kỹ lưỡng. Và rồi 3 ngày sau đó, bạn quá tải với một danh sách to-do-list dài ngoằng?
Đã bao giờ bạn đã quá bận rộn với nhiều dự án cùng lúc, nhưng khi có một người quen giới thiệu một dự án mới, bạn vẫn muốn nhận thêm vì nghĩ mình còn đủ sức để làm?
Đã bao giờ bạn thấy mình luôn bận rộn, nhưng những việc quan trọng nhất vẫn chưa được giải quyết khiến bạn bứt rứt không yên?
Phần lớn lý do dẫn đến tình trạng này là từ những lần chúng ta nói “Có”. Tại sao vậy? Chúng ta đồng ý với nhiều yêu cầu không phải vì ta muốn thực hiện công việc đó, mà vì không muốn bị coi là thô lỗ, ích kỷ, kiêu ngạo hoặc vô ích. Đặc biệt, với những mối quan hệ lâu dài như bạn thân, đồng nghiệp, vợ/chồng,… chúng ta lại càng gặp khó khăn trong việc từ chối. Chúng ta yêu quý họ và luôn muốn hỗ trợ họ. Chúng ta đôi khi cũng cần sự hỗ trợ từ họ trong cuộc sống.
Chính vì vậy, vì không muốn làm căng thẳng một mối quan hệ, không muốn trải qua cảm giác khó chịu khi phải từ chối một ai đó, chúng ta thường dễ dàng đồng ý, ngay cả khi việc đó không quá quan trọng, hoặc không mang lại nhiều lợi ích cho họ và cho chính chúng ta.
Giá phải trả cho việc nói “Có”
Nhà kinh tế học Tim Harford đã từng nói:
“Bất cứ lúc nào chúng ta nói “Có” với một yêu cầu, chúng ta đang nói “Không” với bất cứ điều gì khác có thể hoàn thành trong khoảng thời gian đó”.
Việc nói “Có” đồng nghĩa với việc trong tương lai, bạn nhất định sẽ phải dành một khoảng thời gian để hoàn thành việc đó. Nó là một quyết định đi kèm với trách nhiệm. Ngược lại, việc nói “Không” giúp bạn bạn tiết kiệm thời gian và năng lượng.
Một ví dụ vui là khi bạn nói “Có” với việc yêu một người, bạn sẽ phải dành thời gian cho họ, sẽ có trách nhiệm nuôi dưỡng mối quan hệ đó, sẽ phải đi ăn, đi chơi và làm muôn vàn công việc khác của một người đang yêu. Còn khi bạn nói “Không”, bạn tiếp tục cuộc sống độc thân (vui vẻ hoặc không), bạn được toàn quyền quyết định cách sử dụng thời gian và năng lượng cho mong muốn cá nhân của bạn.
Nói “Không” đúng lúc là một chiến lược thành công
Năm 2023 là một năm tôi không phát triển đúng hướng như tôi kỳ vọng. Đầu năm, tôi có đặt ra mong muốn là chuyển hướng công việc sang coaching nhiều hơn, giảm thiểu các dự án viết thương mại xuống mức tối thiểu. Phải đến tháng 10/2023, tôi mới bắt đầu làm được việc này. Lý do là tôi vẫn liên tục nói “Có” với các dự án viết - công việc tôi đã quen làm nhiều năm nay và là vùng an toàn của tôi.
Kết quả là, tôi hoàn thành một số dự án viết ở mức vừa đủ tốt – tức là đủ để nhận tiền từ khách hàng mà không cảm thấy day dứt, nhưng không đủ để khiến tôi tự hào phát điên và muốn khoe với mọi người xung quanh. Và điều khiến tôi khó chịu hơn là công việc coaching - công việc tôi tin là mình làm tốt và có thể phát triển hơn nữa, thì vẫn không có điểm bứt phá.
Đó là khi tôi nhận ra rằng, tôi cần thực hành nói “Không” nhiều hơn để đạt đến thành công mà tôi muốn nhìn thấy trong sự nghiệp của mình. Nói “Không” đúng lúc là một kỹ năng quan trọng cần có trong bất cứ giai đoạn nào của sự nghiệp, vì nó giúp bạn bảo vệ một tài sản vô giá: thời gian.
Chúng ta cần học cách nói “không” với bất cứ điều gì không dẫn ta đến gần hơn với mục tiêu của mình, với tầm nhìn của bạn về chính bạn. Chúng ta cần nói “không” với những điều khiến ta sao nhãng mất tập trung.
Lộ trình nói “không”
Ở giai đoạn đầu sự nghiệp, khi chúng ta chưa thể xác định một định hướng rõ ràng cho bản thân, việc mạnh dạn nói “Có” cho chúng ta nhiều cơ hội để trải nghiệm, khám phá. Mục tiêu của chúng ta ở giai đoạn này là khám phá bản thân, mở rộng trải nghiệm. Vậy lúc này, chúng ta nên nói “Không” với điều gì?
Nói “Không” với những điều khiến ta sao nhãng, ví dụ như việc sử dụng mạng xã hội quá nhiều không cần thiết
Nói “Không” với những mối quan hệ tiêu cực, với những người không cùng tần số
Nói “Không" với những thói quen không lành mạnh và không hữu ích cho bản thân
…
Ở giai đoạn tiếp theo, sau khi đã đủ trải nghiệm và biết mình thích làm gì, muốn làm gì, việc nói “Không” của bạn có thể được nâng cấp. Không chỉ nói “không” với những điều tôi liệt kê phía trên, bạn sẽ bắt đầu nói “Không” với cả những cơ hội mà trước đây bạn thấy là tốt, nhưng giờ thì không còn giúp bạn tiến gần hơn với định hướng cá nhân. Trong trường hợp của tôi, đó là việc từ chối những dự án viết thương mại, để tập trung cho sự nghiệp coaching.
Làm thế nào để nói “Không”
Tôi tin rằng nhiều người trong chúng ta đều hiểu về tầm quan trọng của sự từ chối, nhưng làm thế nào để nói “Không” lại là điều chúng ta chưa khám phá đủ nhiều.
Nguyên tắc “Hell Yeah or No”: Khi bạn được mời tham gia một dự án, được đề xuất thực hiện một công việc, hãy đồng ý làm nếu như phản ứng đầu tiên trong đầu bạn là “Hell Yeah!”, tức là bạn cảm thấy cực kỳ hào hứng. Nếu như điều đó không khiến bạn cảm thấy hào hứng, nhiều khả năng câu trả lời là “Không”.
“Nếu bạn cần làm nó ngay ngày hôm nay, bạn có làm không?”: Đây cũng là một câu hỏi lọc tốt cho những quyết định bạn phải đưa ra. Thông thường, chúng ta dễ dàng đồng ý với những việc mà ta chưa cần làm ngay lập tức. Chỉ đến thời điểm ta phải thực hiện, ta mới bắt đầu cảm thấy hối hận “đáng lẽ ra mình nên từ chối”.
Thái độ khi từ chối: Từ chối không đồng nghĩa với việc bạn ích kỷ, kiêu ngạo hay vô ích như bạn nghĩ. “Người không vì mình trời tru đất diệt”. Khi bạn ưu tiên bản thân, bạn đang là một tấm gương tốt cho một thái độ sống tích cực. Bạn hoàn toàn có thể từ chối với sự ấm áp và chân thành. Cố gắng bình tĩnh giải thích vì sao bạn chưa thể đồng ý làm việc này, và nếu có thể hãy gợi ý/ đề xuất những người khác mà bạn nghĩ là phù hợp để thực hiện việc đó.
Chậm lại trước mỗi lần quyết định: Chúng ta thường đồng ý rất nhanh, và phải suy nghĩ rất lâu mới dám từ chối. Mỗi quyết định bạn đưa ra, dù đồng ý hay từ chối, đều có những hệ quả đi kèm. Kỷ luật nói “không” không có nghĩa là bạn từ chối tất cả mọi thứ, mà là bạn đồng ý một cách có chọn lọc và tập trung hơn. Bạn hiểu rõ vì sao bạn từ chối hoặc đồng ý với một lời đề nghị. Đó mới là điều quan trọng nhất. Chính vì vậy, trước khi ra quyết định, hãy cho phép bản thân mình được chậm lại để suy nghĩ kỹ lưỡng.
–
Nhà tư vấn quản trị Peter Drucker đã nói một câu nổi tiếng: “Không có gì vô ích bằng làm một cách hiệu quả những việc không nên làm”.
Xin kết lại bản tin bằng câu quote này, thay mọi điều cần học và cần chia sẻ ngày hôm nay. Và Trang cũng rất mong được lắng nghe thêm những quan điểm, chia sẻ, phản biện từ bạn về chủ đề này.
Chúc cả nhà một tuần làm việc hiệu quả, nói “không” với những điều cần nói “không” , và nói có với những điều khiến trái tim rạo rực hào hứng.